Công đoàn tỉnh Lạng Sơn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; Tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.

Thứ tư, 23 Tháng 12 2015 16:31

Tình hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của công nhân, viên chức, lao động tỉnh Lạng Sơn

Theo phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam, từ xưa đến nay lễ cưới, lễ tang và lễ hội chính là biểu hiện nếp sống văn hóa của mỗi gia đình, của cộng đồng và toàn xã hội. Việc tổ chức lễ cưới, lễ tang và lễ hội vừa kế thừa truyền thống phong tục, tập quán, mang bản sắc riêng của dân tộc, vừa được cách tân ngày càng vǎn minh theo sự phát triển của thời đại.

Tuy nhiên từ phong tục, tập quán trở thành thói quen trong suy nghĩ của mỗi người, mỗi gia đình, những năm qua, không ít nơi vẫn còn nhiều thủ tục nặng nề, khi gia đình có việc cưới, việc tang đều tổ chức ăn uống linh đình, dài ngày, kèm theo nhiều hủ tục lạc hậu gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc. Những tác động tiêu cực đã làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa thanh lịch của cộng đồng xã hội, không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Trước thực trạng đó, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Lạng Sơn, Tổng LĐLĐ Việt Nam; Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh. Thực hiện Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg, ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội"; Hướng dẫn số 269/HD-TLĐ, ngày 02/3/2011 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ; Chương trình phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về "Xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ"... Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong CNVCLĐ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hằng năm, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn kết với hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ nhằm mục đích: Nâng cao đời sống văn hoá, ý thức tôn trọng pháp luật của CNVCLĐ, góp phần xây dựng đội ngũ CNVCLĐ về phẩm chất chính trị, học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức lối sống; Khuyến khích, động viên người lao động tham gia các hoạt động văn hoá thể thao, hoạt động xã hội. Qua đó giúp CNVCLĐ rèn luyện nâng cao thể chất, xây dựng môi trường sống lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, trọng tâm:

Định kỳ phối hợp tổ chức Hội thi, Hội diễn Văn nghệ, Thể thao. Tạo bước phát triển mới, hoạt động có chiều sâu, đồng bộ của các cấp công đoàn trong việc xây dựng đời sống văn hoá trong CNVCLĐ, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; Công tác tuyên truyền trọng tâm hướng về cơ sở, việc xây dựng đời sống văn hoá trong CNVCLĐ phải trở thành hoạt động thường xuyên tại cơ sở.

Nep song VH1

 Hội thi Tiếng hát CNVCLĐ tỉnh Lạng Sơn là hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần trong                                                                 Công nhân, viên chức, lao động

Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong đó chú trọng nội dung "Xây dựng gia đình văn hóa", "Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa". Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy chi bộ, hằng năm CĐCS phối hợp với Thủ trưởng cơ quan tổng kết, đánh giá kết quả năm trước, chấm điểm và đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa năm tiếp theo. Trong đó, về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội được đưa vào tiêu chí xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đối với cơ quan, đơn vị phải đảm bảo tiêu chí 90% trở lên cán bộ, công chức, viên chức không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đối với doanh nghiệp phải đảm bảo 80% trở lên người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động CNVCLĐ và nhân dân thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phong trào xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành, nhiệm vụ, chức trách của cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Mặt trận tổ quốc, tổ chức Công đoàn phát động.

Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào văn hóa, thể thao, gia đình văn hóa gắn kết chặt chẽ khen thưởng phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, của tổ chức Công đoàn như phong trào "Lao động giỏi", phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong CNVCLĐ.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ và các tầng lớp nhân dân thực hiện các quy định của Nhà nước, của tỉnh về việc cưới, việc tang và lễ hội đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn và CNVCLĐ đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí... Kết quả, hằng năm có trên 87,5% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; trên 95% gia đình CNVCLĐ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Cụ thể như sau:

Đối với việc cưới: CNVCLĐ về cơ bản chấp hành tốt Luật Hôn nhân và gia đình trong việc tổ chức kết hôn bản thân, tổ chức kết hôn cho con theo đúng quy định pháp luật; không có con CNVCLĐ và bản thân CNVCLĐ cưới tảo hôn; trước khi cưới đã đi đăng ký kết hôn đúng thủ tục hành chính; lễ cưới được tổ chức trang trọng, lành mạnh, đơn giản, tiết kiệm, các thủ tục, chạm ngõ, lễ hỏi, xin dâu, thách cưới đã được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, giảm nhiều tình trạng say rượu trong đám cưới phù hợp với phong tục tập quán riêng của mỗi dân tộc song vẫn thể hiện được nét đẹp của văn hoá cộng đồng; không tổ chức phô trương, mang tính kinh doanh vụ lợi; việc tổ chức cưới đã tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng...

Đối với việc tang: Hầu hết CNVCLĐ đều thực hiện nếp sống mới trong việc tang; tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm phù hợp với điều kiện của gia đình. Khi có người mất, gia đình hoặc thân nhân đã kịp thời báo tử với UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú theo đúng quy định; không để quá lâu ngày thời gian quàn thi hài trong nhà..., đã bỏ các hủ tục mê tín lạc hậu và những nghi thức rườm rà tốn kém như: Hạn chế dùng vòng hoa, câu đối, trướng đắt tiền; không sử dụng nhạc tang quá 23 giờ đêm và trước 5 giờ sáng... Việc tổ chức tang lễ đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định của Chính phủ, phong tục, truyền thống và quy ước, hương ước của thôn, bản, khối phố, địa phương, các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản được xoá bỏ, tình làng nghĩa xóm, sự giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể, cộng đồng dân cư được thể hiện rất tận tình, chu đáo. Các lễ tiết sau đám tang (3 ngày, lễ cúng tuần, 49 ngày, 100 ngày, lễ thôi tang) về cơ bản đã tiết giảm, hoặc tổ chức gọn nhẹ, phù hợp truyền thống đạo lý của dân tộc.

Đối với lễ hội: Chỉ đạo các cấp công đoàn tham gia với chính quyền, đoàn thể thực hiện tổ chức, tham gia lễ hội đúng quy định của pháp luật về di sản văn hoá và Quy chế tổ chức lễ hội do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành; Tuyên truyền về truyền thống, nét đẹp văn hóa trong các lễ hội; phát huy giá trị văn hóa các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng; tuyên truyền, quảng bá văn hóa lễ hội của các vùng miền, các dân tộc trong tỉnh; CNVCLĐ đã hưởng ứng tích cực, thực hiện nếp sống văn minh trong các ngày lễ hội: lễ hội tín ngưỡng, lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội văn hoá, du lịch, tham gia thi đấu thể thao, biểu diễn văn hoá văn nghệ, ... tích cực đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội, các hoạt động mê tín dị đoan trong hoạt động lễ hội.

Nep song vh 2

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua Hát then đàn tính tại Lễ hội Chùa Bắc Nga, huyện Cao Lộc

 Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, tình hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong CNVCLĐ của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thường xuyên (Nhận thức được nhưng hành động "Nói chưa đi đôi với làm"); việc phối hợp triển khai xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa còn biểu hiện hình thức. Một số CNVCLĐ chưa thực hiện tốt việc cưới, việc tang, vẫn còn tồn tại một số thủ tục rườm rà, lãng phí, nhất là các gia đình CNVCLĐ có điều kiện kinh tế, tổ chức đám cưới mời đông khách, làm cỗ tốn kém, đặc biệt là việc tổ chức bữa phụ từ 30 đến 50 mâm gây dư luận không tốt trong CNVCLĐ và nhân dân. Một số đám tang của gia đình CNVCLĐ vẫn làm cỗ mời khách, còn tình trạng phúng viếng quá nhiều vòng hoa, bức trướng gây tốn kém, lãng phí...

Những tồn tại, hạn chế trên là do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, đó là: Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức công đoàn và toàn thể xã hội về tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa thường xuyên, đồng bộ, quyết liệt; chưa làm tốt việc nhân rộng, cổ vũ, động viên những mô hình, kinh nghiệm tốt; công tác kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm, nghiêm túc kiểm điểm, phê bình những cán bộ, Đảng viên, CNVCLĐ có biểu hiện tư lợi và lãng phí trong việc tổ chức cưới xin, việc tang và lễ hội còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số cán bộ, Đảng viên, CNVCLĐ có điều kiện về kinh tế còn nặng tư tưởng tổ chức đám hiếu, hỷ là việc hệ trọng cả đời người vì vậy phải làm long trọng, đầy đủ.

Để thực hiện tốt quy định trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong CNVCLĐ và nhân dân trước hết cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, CNVCLĐ và toàn thể nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tổ chức Công đoàn đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chính trong công tác tuyên truyền thời gian tới như sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg, ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong các cấp công đoàn và CNVCLĐ.

Hai là, tiếp tục phối hợp chỉ đạo, thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ, trong đó chú trọng nội dung "Xây dựng gia đình văn hóa", "Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" và cuộc vận động "Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", Quy ước, Hương ước ở các khu dân cư, thôn, bản, khối phố...

Ba là, Quan tâm phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gắn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; việc đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua của cán bộ, Đảng viên, CNVCLĐ. Nghiêm túc kiểm điểm, phê bình những cán bộ, Đảng viên, CNVCLĐ có biểu hiện tư lợi và lãng phí trong việc tổ chức cưới, việc tang và lễ hội.

Bốn là, tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích, khuyến khích mô hình với những cách thức mới tiến bộ trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Năm là, phối hợp với chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch phát huy các nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất dành cho hoạt động văn hóa, thể thao. Chú trọng trung tâm nơi đông dân cư sinh sống và các khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp, công nhân lao động./.

Hoàng Cúc, LĐLĐ tỉnh