Công đoàn tỉnh Lạng Sơn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; Tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, 06 Tháng 6 2022 23:19

Phát huy dân chủ trong hoạt động tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động, người học, nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng và tăng cường nề nếp, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của cơ sở giáo dục (CSGD), góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phòng chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền. Ngày 19/5/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của CSGD công lập. Thông tư này áp dụng đối với các CSGD công lập, các tổ chức và cá nhân có liên quan. Thông tư hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của CSGD công lập, bao gồm: dân chủ trong CSGD; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

Trên cơ sở Thông tư số 11/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công đoàn Giáo dục (CĐGD) tỉnh ban hành Hướng dẫn số 102/HD-CĐN, ngày 18/9/2020 Hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở tại cơ quan, đơn vị, trường học; năm 2021Công đoàn ngành Giáo dục và Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Hướng dẫn liên tịch số 2786/HDLT-SGDĐT – CĐN, ngày 20/9/2021 về tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của cơ sở hành chính nhà nước, đơn vị sựnghiệp công lập.

 z3460692197353 e9f4080baca6f1a9948d6fcb35d116a8

Hiệu trưởng Trường THPT Cao Lộc đối thoại trực tiếp với đoàn viên thanh niên về quyền và nghĩa vụ của học sinh ngày 09 tháng 4 năm 2022

 Theo quy định tại Thông tư những việc Hiệu trưởng, Giám đốc phải công khai để nhà giáo, CBQL và người lao động biết, bao gồm: chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động của CSGD; các nội quy, quy chế; kế hoạch năm học, học kỳ, tháng, tuần; kế hoạch, đề án, dự án, chiến lược định hướng phát triển của CSGD; kinh phí; tài sản, trang thiết bị; kết quả kiểm toán của CSGD; kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng; việc sử dụng, quản lý nhà giáo, CBQL và người lao động; các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong CSGD đã được kết luận; bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong CSGD; văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến công việc của CSGD…

Ngoài những nội dung trên Thông tư còn quy định rõ: Trách nhiệm và những việc Nhà giáo, CBQL, người lao động và người học tham gia ý kiến trước khi Hiệu trưởng, Giám đốc quyết định. Những việc nhà giáo,CBQL, người lao động giám sát, kiểm tra và hình thức giám sát, kiểm tra; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

 2 1

Hội nghị Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động trường CĐSP Lạng Sơn năm học 2021 – 2022

Qua gần 2 năm thực hiện Thông tư tại các CSGD trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có những chuyển biến trong thực hiện dân chủ trong hoạt động tại các nhà trường. Để triển khai xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ theo hướng dẫn tại Thông tư số 11/2020/TT-BGDĐT, ngay từ đầu các năm học, các CSGD đã xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của đơn vị. Việc tổ chức, triển khai xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm được kiện toàn, bổ sung và điều chỉnh kịp thời.

Các đơn vị trường học nhận thức rõ việc xây dựng Quy chế dân chủ gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở và thực hiện những quy định của Luật Giáo dục theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong các hoạt động của đơn vị, bảo đảm cho cán bộ nhà giáo người lao động và học sinh sinh viên (CBNGNLĐ&HSSV) và phụ huynh được quyền giám sát, kiểm tra, đóng góp ý kiến, tham gia vào các hoạt động của nhà trường.

Việc triển khai Quy chế dân chủ đã tạo nên bầu không khí mới mẻ, giúp người lao động được tôn trọng, thấy rõ quyền lợi, trách nhiệm của bản thân; người lãnh đạo không tùy tiện trong quản lý, điều hành. Từng thành viên tích cực tìm hiểu, tuyên truyền, đóng góp ý kiến xây dựng các nội dung thuộc Quy chế dân chủ, góp phần xây dựng và phát triển nhà trường. Trong mỗi CSGD cũng hình thành nét văn hóa đề cao sự tôn trọng, lắng nghe, trân trọng các ý kiến, sự sáng tạo, đổi mới. Môi trường làm việc đã giúp các thành viên dần phát huy tối đa năng lực để cống hiến, giảng dạy và học tập đạt hiệu quả cao.

Hiện nay việc tổ chức đối thoại 01 lần/năm học đã được tổ chức tại nhiều CSGD thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa CBNGNLĐ, HSSV với người đứng đầu đơn vị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; giải đáp kiến nghị, đề xuất của CBNGNLĐ&HSSV, đưa ra những sáng kiến, ý tưởng nhằm đổi mới chất lượng phát triển nhà trường và đảm bảo quyền lợi cho CBNGNLĐ&HSSV.

Trong thời gian tới, để hướng tới môi trường giáo dục toàn diện, trường học hạnh phúc các CSGD tiếp tục thực hiện tốt công tác đối thoại; tăng cường xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa nhà trường và gia đình, nâng cao nhận thức về vai trò của việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó, nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực để tạo sự đồng thuận, xây dựng nhà trường ngày càng phát triển./.

 

Bài và ảnh: Hà Thị Thúy Hằng

Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh