Công đoàn tỉnh Lạng Sơn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; Tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, 17 Tháng 2 2014 08:50

Người lao động cần được tập huấn ATVSLĐ

Ngày 15/12/2013 tới đây, Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động sẽ có hiệu lực.

Thông tư này hướng dẫn thực hiện Khoản 4, Điều 150 Bộ luật Lao động quy định về điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; xây dựng chương trình khung huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động; danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động và thực hiện Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động về hướng dẫn và quản lý việc tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Đối tượng áp dụng của thông tư này gồm doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động; tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, người lao động phải được tập huấn lại về ATVSLĐ theo thông tư mới này. NLĐ được chia thành 4 nhóm đối tượng khác nhau với các nội dung huấn luyện khác nhau. Bao gồm: nhóm người làm công tác quản lý; nhóm cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ sở, nguời làm công tác quản lý kiêm phụ trách công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; nhóm NLĐ làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động và nhóm NLĐ không thuộc 3 nhóm nêu trên (bao gồm cả lao động là người Việt Nam, NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động).

NLĐ sau khi hoàn thành khóa huấn luyện sẽ được cấp Chứng chỉ huấn luyện, Chứng nhận huấn luyện hoặc ghi vào sổ theo dõi huấn luyện tại cơ sở (tùy từng nhóm đối tượng). Cơ sở có trách nhiệm lưu giữ tài liệu huấn luyện và kết quả kiểm tra, sát hạch ATVSLĐ ít nhất 5 năm.

Ngoài ra, Thông tư mới cũng chi tiết hóa điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cũng như hồ sơ, thủ tục mở dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ. Kèm theo Thông tư là Danh mục các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; Các mẫu Chứng chỉ, chứng nhận và các biểu mẫu báo cáo liên quan.

Nguồn congdoanvn.org.vn