Công đoàn tỉnh Lạng Sơn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; Tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.

Thứ ba, 07 Tháng 12 2021 16:45

Một số kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo hoạt động chăm lo xây dựng gia đình CNVCLĐ "No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh"

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm đẩy mạnh công tác gia đình và xác định rõ vai trò của gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội: Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” là một bước tiến quan trọng trong quan điểm của Đảng. Lần đầu tiên Ban Bí thư ra một Chỉ thị về gia đình, đề cập đến tất cả khía cạnh, thực trạng, mục tiêu, giải pháp của xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp đó, ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam, theo đó lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 24/6/2021 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Điều đó khẳng định sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.

 z2999646788249 561d45696c63703b8d53ea8b8a6ab077

Lãnh đạo LĐLĐ huyện Đình Lập thừa ủy quyền của LĐLĐ tỉnh trao tiền hỗ trợ sửa chữa nhà "Mái ấm Công đoàn" cho nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác gia đình trong hoạt động nữ công công đoàn các cấp, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam. Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai, quán triệt thực hiện trong đoàn viên, người lao động các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, trẻ em,… Xác định việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động là cơ sở để đảm bảo cho mỗi gia đình đoàn viên, người lao động có điều kiện ổn định và yên tâm công tác. Các cấp công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã luôn quan tâm chăm lo, phối hợp với chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động thiết thực, thường xuyên coi trọng việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động như đảm bảo việc làm, thu nhập, tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hộ lao động. Đặc biệt, các hoạt động xã hội nhằm chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được các cấp công đoàn chú trọng, góp phần động viên, giúp đỡ đoàn viên, người lao động vươn lên, ổn định cuộc sống gia đình.

Từ năm 2016 đến nay LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 168 gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn xây dựng, sửa chữa nhà Mái ấm Công đoàn từ Quỹ xã hội của LĐLĐ tỉnh (trong đó có 99 nhà xây mới và 69 nhà sửa chữa) với tổng số tiền trên 4,2 tỷ đồng; hỗ trợ cho 217 đoàn viên, người lao động bị mắc bệnh hiểm nghèo, thiên tai, hỏa hoạn với số tiền trên 218 triệu đồng; luân chuyển vốn vay cho 22 hộ gia đình đoàn viên, người lao động được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để phát triển kinh tế gia đình với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng; hằng năm, nhân dịp Tết Nguyên Đán, Tháng công nhân, Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Gia đình Việt Nam,... các cấp công đoàn đã tổ chức thăm, tặng quà cho gia đình đoàn viên, người lao động và trẻ em là con đoàn viên, người lao động, đặc biệt là gia đình đoàn viên, người lao động và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, trong 5 năm, từ nguồn tài chính công đoàn và từ các nguồn hỗ trợ khác, các cấp công đoàn đã thăm hỏi, tặng quà cho 2.503 đoàn viên, người lao động và trên 3.000 lượt con đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng.

Bên cạnh việc chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia, qua đó phát huy vai trò tích cực của đoàn viên, người lao động trong gia đình và xã hội, LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn các cấp công đoàn thông qua chương trình công tác nữ công và chương trình phối hợp hoạt động với các Ban, ngành, đoàn thể, tùy theo điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động như: Nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử trong gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; tăng cường tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Trẻ em;… Tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức nhiều hội thi “Gia đình điểm 10” với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”; hội thi cắm hoa nghệ thuật đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đoàn viên, người lao động nói chung và nam đoàn viên, người lao động nói riêng trong việc chia sẻ công việc gia đình.

Các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ngày càng thu hút đông đảo nữ đoàn viên, người lao động tham gia; khích lệ nữ đoàn viên, người lao động vươn lên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời hoàn thành tốt chức năng của người mẹ, người vợ trong gia đình, nuôi dạy con khỏe, ngoan, học giỏi, tiến bộ. Kết quả hằng năm có trên 87% nữ đoàn viên, người lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”; trên 95% gia đình đoàn viên, người lao động đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Gia đình văn hóa tiêu biểu” ở khu dân cư, nhiều tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn biểu dương, khen thưởng.

Đặc biệt trong năm 2021, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành tổ chức Hội nghị biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020, đây là một hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực, góp phần động viên, cổ vũ gia đình CNVCLĐ tích cực tham gia xây dựng “Gia đình văn hóa”, qua đó tuyên truyền những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Kết quả: 14/14 LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành đều được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ kinh phí để tổ chức Hội nghị biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu. Toàn tỉnh có 439 gia đình CNVCLĐ được biểu dương, trong đó: Cấp toàn quốc biểu dương 01 gia đình; cấp tỉnh biểu dương 75 gia đình; cấp huyện, ngành biểu dương 363 gia đình. Nhiều đơn vị đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu, huy động được sự phối hợp tham gia, vào cuộc của Chính quyền, các cấp, các ngành, đồng thời lan tỏa trong các công đoàn cơ sở trực thuộc và toàn thể đoàn viên, người lao động của tỉnh.

 z2999646508084 cfab20c07785821eb9bfa7b16566c7ec

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy và lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện Cao Lộc trao Giấy khen và quà cho đại diện gia đình CNVCLĐ tiêu biểu giai đoạn 2016-2020

Qua kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình tại các cấp công đoàn, LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, công tác gia đình cần được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc, ủng hộ của các cấp, các ngành, đoàn thể và CNVCLĐ. Đặc biệt là phát huy vai trò của Ban Nữ công công đoàn các cấp trong việc tham mưu cho Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác gia đình.

Thứ hai, hằng năm, vào quý IV năm trước, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chỉ đạo Ban chuyên đề xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức tổ chức và lập dự trù kinh phí tổ chức hoạt động nữ công cho năm sau, trong đó có nhiệm vụ công tác gia đình để đảm bảo chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Ban Thường vụ.

Thứ ba, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, về vị trí, vai trò của gia đình với xã hội, nêu gương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu xuất sắc và các điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trên các kênh thông tin, trên các phương tiện thông tin đại chúng để CNVCLĐ nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm vun đắp, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau và chia sẻ công việc trong gia đình.

Thứ tư, chú trọng công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong công tác gia đình, đặc biệt là ngành Văn hóa, Hội LHPN các cấp. Đẩy mạnh phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” trong CNVCLĐ với các phong trào khác do các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn phát động như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ,...

Thứ năm, Thường xuyên quan tâm kiểm tra, đánh giá, phát hiện và nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác gia đình. Ðịnh kỳ hằng năm sơ, tổng kết, khen thưởng kịp thời những gương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu xuất sắc, đồng thời cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân để kịp thời rút kinh nghiệm./.


 Bài và ảnh: Bế Thị Hòa

Phó Chủ tịch TT LĐLĐ tỉnh